Hồ Chí Minh - một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng
Sinh thời, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng của người cách
mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, suối; người cách mạng
phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, việc
chăm lo, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng là công việc thường xuyên của
toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi người trong xã hội. Là người sáng
lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng: “Tất cả các đảng cách
mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không
biết nhìn rõ cái gì tạo ra sức mạnh của mình, vì sợ sệt không dám nói lên những
nhược điểm của mình”, nên nhấn mạnh: Then chốt trong công tác xây dựng và chỉnh
đốn Đảng là thật thà tự phê bình và phê bình để mới gột rửa những tư tưởng, quan
điểm, hành vi sai trái với phẩm chất đạo đức của người cách mạng, góp phần nâng
cao sức chiến đấu của Đảng, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng, “cốt để
đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Đồng thời yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải
rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,
đoàn kết, thương yêu, nuôi dưỡng và phát triển tình thương yêu đồng chí, chống
bệnh công thần, ham địa vị, kèn cựa và cục bộ và kiên quyết chữa cái bệnh hẹp
hòi để luôn trong Đảng luôn đoàn kết và thống nhất.
Quan tâm và dày công xây dựng Đảng ta thành một khối trong sạch,
vững mạnh gắn liền với việc chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán
bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đã luôn gắn lợi ích giai cấp, dân tộc với đoàn kết
quốc tế để tranh thủ và phát huy nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc và thời
đại, để đảm bảo đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi. Thật đặc biệt song không
phải ngẫu nhiên, trước khi từ biệt chúng ta trở về với cõi vĩnh hằng, Hồ Chí
Minh lại căn dặn những lời đầy tâm huyết trong bản Di chúc lịch sử: “Việc cần
làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi
chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý,
phục vụ nhân dân” và “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ
gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Thấm nhuần sâu sắc và nhận thức rõ vai trò, sức mạnh của đạo đức
cách mạng và quy luật phát triển của nó, đồng thời coi đạo đức là cái gốc, cái
căn bản, là nền tảng của người cách mạng, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời
điểm nào của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh cũng luôn rèn luyện đạo đức cách
mạng “như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Hồ Chí Minh
từng nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, là độc lập, là hoà
bình, ấm no, do đó, cán bộ, đảng viên của Đảng phải tiêu biểu cho trí tuệ,
lương tâm, danh dự của dân tộc và thời đại. Vì vậy, “để làm mực thước cho dân”,
người cộng sản Hồ Chí Minh đã luôn thực hành gương mẫu “lo trước thiên hạ, vui
sau thiên hạ”, coi khinh sự xa hoa, tôn trọng giản dị trong nếp sống,v.v.. Đặc
biệt, với vị thế một nguyên thủ quốc gia (1945-1969), Người vẫn tuyệt nhiên
không cầu danh lợi, không màng phú quý, chỉ nhận sự ủy thác của nhân dân và
cùng nhân dân Việt Nam vượt mọi gian khó, đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây
dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho
mọi đối tượng trong xã hội, từ công nhân, nông dân đến trí thức, văn nghệ sĩ;
từ các cụ phụ lão đến phụ nữ, thanh niên, nhi đồng; từ đồng bào các dân tộc đến
đồng bào các tôn giáo…Theo Người, đạo đức phải được thể hiện trong mọi lĩnh vực
hoạt động, từ sinh hoạt, học tập, lao động, đến lãnh đạo, quản lý; trong cả ba
mối quan hệ chủ yếu, đối với mình, đối với việc, đối với người… Cùng với việc
đề cập đạo đức công dân, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đạo đức của cán bộ,
đảng viên, vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay
thất bại đều do cán bộ tốt hay cán bộ kém” và Người đã kiên trì giáo dục đạo
đức mới - đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhằm ngăn chặn, khắc phục
những hiện tượng suy thoái về đạo đức và lối sống; đặc biệt nhằm chống lại
những khuynh hướng sai lệch về quyền lực như quan liêu, cậy thế, cậy quyền lợi
dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, say mê quyền lực, chạy theo quyền lực,
tranh giành quyền lực, tham quyền cố vị… vốn là những tệ nạn, nguy cơ làm sụp
đổ sự nghiệp của một người, thậm chí của cả một Đảng.
Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng giữ vị trí nổi
bật trong đời sống tinh thần của xã hội, trong xây dựng con người Việt Nam mới
xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng điều chỉnh hành vi của mỗi người Việt Nam
theo hướng chân, thiện, mỹ. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là lời
giải về bài toán đạo đức của nhân loại mà giá trị của nó không thể phai mờ, đã
góp sức “phục hưng” và “cải tạo một thời đại”. Trong tầm nhìn của nhân loại
tiến bộ, Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương sáng nhất về cuộc đời của một
con người “đầy tình yêu nhân dân, đầy yêu thương con trẻ, dạt dào tình yêu Tổ
quốc, yêu những người lao động, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng
sản chủ nghĩa”. Cho dù chặng đường cách mạng mới có thể và nhất định sẽ hình
thành những giá trị đạo đức mới, thì những giá trị đạo đức Hồ Chí Minh vẫn còn
ổn định, vẫn là nền tảng vững chắc cho các quan hệ xã hội mới.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 đã tạo ra đợt sinh hoạt
chính trị sâu rộng trong toàn Đoàn và tuổi trẻ cả nước; lan tỏa đến từng chi
đoàn, chi hội, chi đội, từng đoàn viên, thanh thiếu nhi ở các khu vực, đối
tượng. Những năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm hay, ý tưởng
sáng tạo, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, rèn luyện, tu dưỡng của tuổi
trẻ. Thông qua đó, đoàn viên, thanh niên ngày càng nhận thức rõ giá trị to lớn
và tự giác học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ một
cách thường xuyên, nghiêm túc.
Việc thực hiện Chỉ thị cũng được cụ thể hóa và trở thành nội dung
Các cấp bộ đoàn đăng ký và thực hiện 2.273 công trình thanh niên cấp tỉnh,
19.065 công trình thanh niên cấp huyện, 226.941 phần việc thanh niên làm theo
lời Bác; hàng trăm chương trình, dự án xây cầu, làm đường giao thông nông thôn,
làng thanh niên lập nghiệp, đảo thanh niên, chòi tránh lũ, nhà nhân ái, trường
học cho học sinh vùng cao, trang trại trẻ, hợp tác xã thanh niên… góp phần tham
gia phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn, bức xúc của cộng
đồng. Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh được cụ thể hóa trong các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì
an sinh xã hội, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên,
trí thức trẻ, thầy thuốc trẻ, nhà khoa học trẻ, thanh niên Việt Nam ở nước
ngoài tham gia với các chương trình tiêu biểu như: “Tình nguyện mùa Đông”,
“Xuân tình nguyện”, “Tháng Thanh niên”, “Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè”,
“Tiếp sức mùa thi”, “Tiếp sức đến trường”, “Tiếp sức lao động trẻ”, “Thầy thuốc
trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, hiến máu tình nguyện,
tình nguyện đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn...
Thông qua việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 03, đã xuất hiện nhiều
điển hình tiên tiến, nhiều thanh niên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức Bác Hồ. Các bạn học sinh, sinh viên, các nhà khoa học, trí thức
trẻ, công chức trẻ, doanh nhân trẻ, bác sĩ trẻ, văn nghệ sỹ trẻ, vận động viên
trẻ… với những kết quả xuất sắc trong học tập, sáng tạo, với nhiều sáng chế,
phát minh, thành tựu làm rạng danh đất nước. Nhiều tấm gương dũng cảm quên mình
vì chủ quyền lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc; những ngư dân trẻ đang kiên cường
ngày đêm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhiều thanh niên làm
kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều bạn trẻ
khuyết tật với ý chí, quyết tâm, nghị lực tuyệt vời vượt lên hoàn cảnh sống khó
khăn...
Từ năm 2011 đến nay, Trung ương Đoàn tổ chức xét và trao “Giải
thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” cho 50 thanh thiếu niên tiêu biểu nhất
cả nước trên các lĩnh vực và 60 gương mặt trẻ triển vọng; “Giải thưởng
26-3” cho 313 Đoàn cơ sở và Bí thư Đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc; “Giải
thưởng Người thợ trẻ giỏi” cho 243 thanh niên công nhân; Giải thưởng “Lương
Định Của” cho 1.350 thanh niên nông thôn tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh;
các giải thưởng Trần Văn Ơn, Lý Tự Trọng, Sao Tháng Giêng, Kim Đồng, Sao vàng
đất Việt, Sao Đỏ, Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc… được xét trao trên cơ sở
thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh.
Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã triển khai thực hiện Kế hoạch thực
hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu
nhi giai đoạn 2016 - 2021 nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động
trong toàn Đoàn và thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc làm thường
xuyên, liên tục, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên nhất là
của người đứng đầu các cấp của Đoàn, Hội, Đội.
Triển khai Ban Bí thư Trung ương Đoàn xác định những giải pháp
thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trọng tâm như sau: Một là, đẩy mạnh công
tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi
về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hai là, tổ chức học tập, quán
triệt các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hệ thống
tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp. Ba là, đề cao trách nhiệm nêu gương của người
đứng đầu và cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội, Đội các cấp trong học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bốn là, tổ chức các phong trào hành
động cách mạng, tạo môi trường, động lực để đoàn viên, thanh thiếu niên phấn
đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm là, tăng
cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong đó, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội xác định nội dung đột phá
trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là xây dựng
lề lối, tác phong cán bộ Đoàn, thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ
Trung ương Đoàn; chọn xây dựng hình ảnh người cán bộ đoàn trách nhiệm, gương
mẫu, trung thực, sâu sát cơ sở làm nội dung đột phá, tạo chuyển biến rõ rệt lề
lối, tác phong cán bộ đoàn.